Ủ Rác Bokashi Cải Tiến – Giải Pháp Xử Lý Rác Hữu Cơ
Bạn đang sống ở thành phố, không có vườn rộng, không có chỗ xử lý rác hữu cơ?
Bạn sợ rác thối, sợ ruồi, sợ bốc mùi?
Bạn muốn sống xanh nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu?
Ủ rác Bokashi cải tiến chính là câu trả lời dành cho bạn!
Bokashi Là Gì?
Phương pháp ủ rác Bokashi là phương pháp được phát triển ở Nhật Bản và được ưa chuộng trên toàn thế giới vì tính hiệu quả, dễ thực hiện và không gây mùi khó chịu.
Ủ rác Bokashi là một kỹ thuật ủ yếm khí, sử dụng vi sinh vật để lên men rác hữu cơ tạo ra phân bón và nước bón cho cây trồng. Đây là giải pháp thân thiện môi trường, phù hợp để xử lý rác tại gia đình, trường học, nông trại nhỏ…
Bokashi trong tiếng Nhật có nghĩa là “lên men”. Phương pháp này sử dụng hỗn hợp vi sinh vật có lợi (EM) được cấy vào chất mang như cám gạo để tạo ra “men Bokashi” (hay còn gọi là cám Bokashi), dùng để ủ rác hữu cơ trong môi trường yếm khí.
Cải Tiến Ở Đâu?
Tại Doanh Trại Xanh, chúng tôi đơn giản hóa quy trình và dễ hoá nguyên liệu để những người không chuyên làm nông nghiệp, không cần không gian rộng rãi… vẫn có thể bắt đầu ngay.
Phương pháp ủ rác Bokashi cải tiến kết hợp cám Bokashi và dung dịch enzyme dứa nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình lên men rác, tạo mùi thơm và tăng tính năng kháng bệnh cho cả phân thu được. Enzyme dứa là cách thu thập, phân lập nguồn vi sinh vật bản địa giúp cho quá trình lên men rác hữu cơ nhanh và thích ứng tốt với hệ vi sinh vật trong đất, bên cạnh đó quá trình lên men của vi sinh vật sẽ nhanh tạo ra các vitamin và các chất kích thích cây trồng và sản sinh chất ức chế vi sinh vật gây bệnh trong đất.
Nguyên lý hoạt động:
Khác với ủ phân truyền thống (hiếu khí), Bokashi là phương pháp yếm khí – tức không có oxy:
- Vi sinh vật trong men Bokashi và enzyme dứa làm rác hữu cơ lên men thay vì phân hủy.
- Không tạo ra mùi hôi, không thu hút ruồi nhặng.
- Quá trình ủ tạo ra nước bón (phân dạng nước) và phân bón khô
Ưu điểm:
Ưu điểm của phương pháp Bokashi cải tiến:
– Không mùi: Không thối, không ruồi, thậm chí có mùi thơm của dứa lên men
– Không cần đảo trộn: Khác với phân compost truyền thống
– Làm tại nhà dễ dàng: Không cần diện tích lớn
Nguyên Liệu Cần Có
-
Thùng ủ có nắp (tốt nhất có vòi để rút dịch Bokashi)
-
Rác hữu cơ cắt nhỏ: cơm, rau củ, vỏ trái cây, xương cá, thức ăn thừa…
-
Men vi sinh Bokashi (mua hoặc tự nhân giống từ men gốc)
- Enzyme dứa (tự tạo từ vỏ dứa và rỉ mật đường)
-
Một ít bột trấu, mùn cưa, hoặc cám gạo để hút ẩm (tùy chọn)
Các bước thực hiện
Chọn lọc rác:
- Rác dùng được: Gốc rau, vỏ củ/quả, vỏ trứng, bã đậu, bã chè…; Cơm nguội, mì, bún, rau luộc, thức ăn thừa…; Thịt, cá sống (hạn chế cho vào, tỉ lệ dưới 10% tổng lượng rác), vì loại này có nguy cơ gây thối, cần rắc nhiều cám Bokashi; Bã cà phê (nếu có) chỉ cho 1 lượng nhỏ
- Rác không dùng được: Xương động vật cứng, vỏ ốc, vỏ hàu/sò, mai cua…; Nước canh; Rác đã thối vì để ngoài lâu
Tiến hành ủ rác:
- Bước 1: rắc 1 lớp mỏng (~2 thìa cà phê) cám Bokashi lên vỉ chắn rác
- Bước 2: Cho rác vào thùng ủ, cứ 1 lớp rác dày 3-4cm thì rắc 1 lớp cám bokashi (~1.5 thìa cà phê) đều lên rác. Ở bước này, cải tiến bằng cách hoà 1.5 thìa cà phê cám bokashi vào 1/4 bát con nước enzyme dứa và tưới đều lên lớp rác cho lên men nhanh hơn, cho nhiều nước rác hơn và cho chất lượng phân tốt hơn.
- Bước 3: Ấn để nén rác xuống và đậy kín nắp thùng. Đặt thùng ủ ở nơi không có nắng hoặc ánh sáng cường độ mạnh
- Một số lưu ý:
- Rác to nên được thái nhỏ trước khi ủ sẽ nhanh lên men và thu phân hữu cơ tơi xốp hơn
- Rác có thể cho thêm vào hàng ngày, tuy nhiên nên hạn chế số lần mở nắp thùng để tạo điều kiện ủ yếm khí tốt nhất.
Thu và sử dụng kết quả ủ
- Thu nước rác:
- Sau khi ủ khoảng 7-10 ngày sẽ có nước rác dưới thùng, tiến hành thu nước rác lần đầu.
- Sau đó, cứ mỗi 3-5 ngày, tiến hành thu nước rác 1 lần, mỗi lần nên thu hết nước rác trong thùng.
- Thời gian ủ và thu nước rác khoảng 2 tuần, nếu muốn thu nhiều nước rác hơn thì để rác trong thùng lâu hơn và mỗi lần thu nên ấn nắp nén rác để vắt nước.
- Pha nước rác với tối thiểu 50 lần nước sạch và tưới cho cây, cho rau.
- Có thể bảo quản nước rác trong các chai để dùng dần.
- Thu phân xanh:
- Sau 2-3 tuần, rác cơ bản đã lên men xong (có mùi chua), rác khi lên men nhìn bên ngoài vẫn còn tươi, nhưng đã mềm.
- Tiến hành vùi rác vào đất thêm 2 tuần nữa là rác hoai hẳn thành phân xanh.
- Dùng phân xanh để bón lót, cải tạo đất.
Các vấn đề thường gặp
- Khi mở nắp thùng, rác sẽ có mùi hơi chua hoặc hơi nồng 1 chút, hoặc có mùi thơm hoặc có mốc trắng trên rác ủ. Đây là những dấu hiệu rác lên men tốt.
- Trường hợp, rác bị nặng mùi do nhiều thịt động vật, lấy 1.5 lít nước vo gạo đặc, 10 thìa cà phê rỉ mật/hoặc đường vàng và 10 thìa cà phê cám bokashi hoà tan rồi tưới đều lên rác, đậy kín nắp thùng 3-5 ngày không mở ra để kích hoạt quá trình lên men.
Vì Sao Nên Dùng Bokashi?
✅ Không mùi hôi – an toàn trong nhà phố, chung cư
✅ Tiết kiệm chi phí xử lý rác
✅ Sản phẩm đầu ra có giá trị: dịch vi sinh & phân bón
✅ Giảm đến 70% lượng rác hữu cơ ra môi trường
✅ Phù hợp cho người bận rộn, không cần nhiều thời gian
Lưu Ý Nhỏ
-
Không cho nước canh loãng, canh chua, hay rác có quá nhiều dầu mỡ vào thùng.
-
Luôn đậy kín sau khi ủ.
-
Không trộn rác quá dày một lớp – nên rải đều.
Bắt Đầu Từ Đâu?
👉 Bạn có thể dùng thùng sơn cũ, can nhựa có vòi, hoặc mua bộ thùng Bokashi chuyên dụng.
👉 Men Bokashi có thể mua sẵn hoặc tự nhân giống men vi sinh thứ cấp – tiết kiệm gấp nhiều lần.